Ngành công nghiệp bao bì đã có những bước tiến vượt bậc được tạo từ những xu hướng lớn. Những xu hướng này đã, đang và sẽ còn tiếp tục định hình cả ngàng công nghiệp. Chúng ta có thể chắc chắn 2 xu hướng mới gần đây – phát triển bền vững (hay phát triển thân thiện với môi trường) và số hóa (cụ thể là thương mại điện tử) – sẽ tạo ra một thách thức lớn tới ngành công nghiệp. Cùng với đó là một cơ hội thay đổi ngàn năm có một.
Hiện tại, sự chuyển đổi mạnh mẽ sang thương mại điện tử làm lượng rác thải bao bì tăng cao kéo theo đó là sự quan tâm của người tiêu dùng tới vấn đề môi trường lớn hơn bao giờ hết. 2 yếu tố đó hợp lại càng làm gia tốc sự phát triển và thay đổi của ngành công nghiệp. Vì vậy, một CEO muốn lèo lái doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn này và gặt hái thành công thì cần rất nhiều công việc. Trong đó, cập nhật mô hình kinh doanh và cách tiếp cận thị trường là rất quan trọng.
Bối cảnh các giai đoạn
Bao bì là một vật phẩm hỗ trợ cực kì quan trọng trong đời sống của người tiêu dùng. Chúng giúp đưa ra lựa chọn khi mua hàng, tạo dựng hệ thống giao hàng hiệu quả, giảm bớt khả năng hỏng hóc của hàng hóa khi vận chuyển và mang tới cho người tiêu dùng sự tiện lợi. Nhìn lại năm 2019, chúng ta dễ dàng nhận ra 5 xu hướng lớn ảnh hưởng tới ngành bao bì. Chúng gồm: thương mại điện tử, sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng, tỉ suất lợi nhuận giảm, thân thiện với môi trường và số hóa.
Trong năm 2020, sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 khiến an toàn thực phẩm và vệ sinh trở thành mối quan tâm hàng đầu cũng như xu hướng phát triển bao bì của năm. Độ tiện dụng của bao bì cùng với vật liệu có hiệu suất cao trở nên càng quan trọng hơn trong bối cảnh chuỗi cung ứng gián đoạn do đại dịch. Từ đây, điều gì chờ đón ngành bao bì trong thời kì bình thường mới? CEO sẽ phải làm gì để lèo lái doanh nghiệp giai đoạn sau đại dịch?
Để nắm bắt những gì có thể sắp diễn ra, chúng ta cần phải hiểu cách mà ngành bao bì thích nghi và phát triển suốt những thập kỉ qua. Từ năm 2000 tới nay, sự phát triển của ngành bao bì có thể được chia làm 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn đặc trưng bởi sự thay đổi lớn trong suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng. Điều này dẫn tới sự ra đời của những loại bao bì mới. Cùng đó là những đổi mới mà cuối cùng hình thành đoàn thể và cấu trúc chuỗi giá trị mới.
Thời kì 1 (2000 – 2009): Chuyển đổi nguyên vật liệu
Sự chuyển đổi mạnh nhất trong thời kì này là sự lên ngôi của các loại vật liệu nhựa. Chúng được sử dụng để thay thế cho các bao bì cứng truyền thống như gỗ, giấy bìa và thủy tinh. Mục tiêu lúc đó là tăng sự tiện dụng của bao bì với người dùng và giảm chi phí sản xuất.

Từ góc độ của doanh nghiệp, đây là một giai đoạn mà việc tái cấu trúc là bắt buộc. Nhiều tập đoàn đa ngành buộc phải bán bớt những phần không trọng điểm của mình. Bên cạnh đó, nhiều công ty bao bì cũng buộc phải bán bớt mảng nguyên vật liệu (quyền sở hữu rừng …).
Cùng lúc đó, các doanh nghiệp châu Âu và Bắc Mỹ tiến vào một giai đoạn tăng trưởng đột biến ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latin chủ yếu qua hợp tác và liên doanh.
Tuy nhiên, cuộc đại khủng hoảng xảy ra cuối giai đoạn này đã để lại nhiều ảnh hưởng xấu tới lượng tiêu thụ bao bì. Vì thế, nhiều thương hiệu buộc phải chuyển qua bao bì nhựa để chống lại các áp lực tài chính. Hệ quả của nó khá là phức tạp, tùy theo đối tượng người tiêu dùng mà khác nhau. Thực phẩm và đồ uống là mặt hàng thiết yếu nên bao bì của chúng cũng ít chịu ảnh hưởng hơn. Các mặt hàng công nghiệp và xa xỉ phẩm chịu ảnh hưởng lớn hơn. Bởi chúng vốn đã khá là nhạy cảm trước thay đổi như này.
Giai đoạn 2 (2009 – 2020): Thay đổi tư duy người tiêu dùng
Giai đoạn này mở màn với đại khủng hoảng kinh tế. Dù khi đó, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, phần lớn các hãng sản xuất bao bì đều có thể phát triển vững mạnh. Việc chuyển đổi bao bì và mở rộng thị phần mang tới cho họ những bước tiến tuy chậm mà chắc. Giai đoạn này, Trung Quốc vượt mặt Mỹ, trở thành nhà cung cấp bao bì lớn nhất thế giới.
Tuy trung tâm ngành bao bì thay đổi, Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản vẫn nằm trong top 10. Giai đoạn này cũng xảy ra rất nhiều thương vụ thâu tóm, sát nhập lớn diễn ra ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Bên cạnh đó cũng xảy ra việc phân chia thị phần ở các thị trường mới nổi.

Tới cuối giai đoạn này, mọi người ngày càng quan tâm tới các vấn đề môi trường. Người tiêu dùng phản đối việc xả rác thải nhựa ra môi trường. Các hoạt động nhằm kiềm chế vấn đề này diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Chính trị gia cũng đáp lại mong muốn của công chúng bằng một loạt các hành động. Một sô có thể kể tới như: chỉ thị về đồ dùng một lần ở Châu Âu, thuế bao bì nhựa, luật bao bì thực phẩm ở Trung Quốc… Hay cực đoan hơn, có những bang ở Mỹ thẳng tay cấm bao bì nhựa.
Các doanh nghiệp cũng đáp lại bằng việc đưa ra những cam kết phát triển bền vững. Ví dụ như việc sử dụng những bao bì với 100% khả năng tái chế hay việc tăng cường sử dụng các vật liệu tái tạo. Lúc này, các vật liệu như kim loại, thủy tinh và giấy được ưa chuộng trở lại. Áp lực từ việc trên tạo ra nhu cầu rất cao cho sự đổi mới. Thế nhưng lúc này, vẫn chưa có nguyên liệu nào thay thế hiệu quả cho nhựa.
Giai đoạn 3 (2020 – ): Môi trường và chuyển đổi số
Mở đầu giai đoạn
Giai đoạn này mở đầu bằng việc các sự chuyển đổi xảy ra với tốc độ chóng mặt. Môi trường và thương mại điện tử là 2 xu hướng lớn định hình giai đoạn này. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự bất định, thách thức và cơ hội lớn nhất từ trước tới nay.
Đầu tiên là những luật định được tạo ra để đáp lại nỗi lo của người tiêu dùng. Các nguồn vốn đã sẵn sàng được các chính trị gia điều động để nhắm tới 3 mục tiêu:
- giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường
- tăng lượng rác thu thập được để tái chế
- giảm chỉ số carbon footprint.
Và như hệ quả của những áp lực trên, ngày càng nhiều các sáng kiến bao bì mới được đưa ra thương mại hóa. Cùng với đó là những cách marketing cho sản phẩm hiệu quả, hợp thời hơn. Sản phẩm hiện giờ không những phải thân thiện với môi trường mà còn phải có giá thành phải chăng. Chính vì vậy, việc chuyển đổi bao bì ngoài thay đổi nguyên liệu còn phải tạo được vật liệu mới. Những vật liệu cũ giờ đây có thể được tạo từ nhiều nguồn nguyên liệu hơn.
Trong vài năm tới, giá những nguyên vật liệu mới sẽ ổn định lại sau giai đoạn ban đầu và áp lực thuế quan làm các vật liệu không phù hợp gặp nhiều khó khăn hơn. Chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ có những bước chuyển dịch mạnh mẽ. Chúng ta có thể mong đợi sự ra đời của nhiều mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, các công nghệ tái sử dụng, tái đóng gói nhận được sự chấp thuận nhiều hơn. Đương nhiên, cả 2 việc trên không cái nào là đễ dàng.
Áp lực từ vấn đề môi trường
Áp lực từ các vấn đề môi trường cũng đặt nặng lên các nhà cung cấp vật liệu chuyên cung cấp các loại vật liệu được làm từ nguyên liệu không còn phù hợp. Những vật liệu như vậy sẽ dần dần trở nên lạc hậu. Vì vậy, người điều hành những doanh nghiệp này sẽ bị buộc phải lựa chọn. Một, trở thành một doanh nghiệp cuối cùng cung cấp với giá rẻ nhất và năng suất cao nhất. Hoặc hai, chuyển đổi nguyên liệu đầu vào và đương nhiên, công nghệ sản xuất. Chờ đợi cho đợt sóng này qua đi là điều không thể. Các vấn đề môi trường từ nay sẽ chỉ càng ngày càng cấp thiết.
Có một vấn đề nên được các nhà điều hành doanh nghiệp nhìn nhận một cách toàn diện hơn. Chính là vấn đề được nhiều người tiêu dùng quan tâm: phát triển bền vững (cùng môi trường). Bên cạnh việc đưa thêm sản phẩm thân thiện với môi trường vào danh mục, doanh nghiệp cũng nên cắt giảm lượng carbon footprint thải ra trong quá trình sản xuất và vận chuyển.
Số hóa và thương mại điện tử
Một phần nữa không thể không nhắc tới là số hóa. Đặc biệt việc chuyển dịch sang thương mại điện tử. Việc nhiều cửa hàng, hãng bãn lẻ chuyển sang mô hình kinh doanh thương mại điện tử đã tạo ra nhiều nhu cầu mới. Trong đó có thể kể tới các loại bao bì dành riêng cho chúng. Bao bì mới phải được chế tạo chuyên cho mục đích bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển (ship hàng) và chống được khả năng bị can thiệp (đánh tráo).
Những bao bì mới này không còn được thiết kể để bắt mắt khách hàng khi trên kệ nữa. Thay vào đó, chúng chú trọng vào việc nâng cao trải nghiệm đập hộp (unboxing) của khách hàng. Thương mại điện tử là lĩnh vực phải hướng đến để kiểm soát chi phí và ứng đối áp lực. Hiện tại, thương mại điện tử đã trở thành một đế chế khổng lồ không thể nào bỏ qua.
Số hóa tạo ra những thách thức, đồng thời cũng có nhiều cơ hội. Quan trọng nhất là khả năng nâng cao trải nghiệm người dùng, cải thiện quy trình bán hàng cũng như đo lường trải nghiệm người dùng một cách đầy đủ và chính xác hơn.
Từ góc nhìn doanh nghiệp
Từ góc nhìn doanh nghiệp, CEO cần cân nhắc 2 khía cạnh. Đầu tiên, họ cần tập trung vào các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, tách các ngành không trọng điểm của doanh nghiệp thành các doanh nghiệp con riêng biệt. Khía cạnh thứ 2 là số hóa và tự động hóa toàn diện. Từ quá trình sản xuất, vận chuyển, tiếp cận khách hàng… điều này sẽ giúp đưa ra các quyết định nhanh chóng hơn.
Về tổng thể, ngành bao bì mới chỉ ở những bước đầu tiên của việc số hóa. Tuy vậy, theo dự đoán, nó sẽ sớm trở thành một phần tạo ra nhiều giá trị quan trọng. Nhất là trong bối cảnh thị trường nguyên liệu thăng hoa cùng với các cơ chế bảo vệ và các chính sách thương mại hiện nay, số hóa sẽ khiến cho chuỗi cung ứng minh bạch hơn và dễ dàng tìm nguồn cung hơn.
Những thay đổi này trong thời gian ngắn sẽ thách thức rất nhiều nhà sản xuất bao bì. Dẫu vậy, chúng cũng sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp tìm được phương hướng và hành động thích đáng.
Vậy, một CEO của doanh nghiệp bao bì nên làm gì trong môi trường đang thay đổi từng ngày này?
Đầu tiên, cần phải tạo độ dẻo dai cho doanh nghiệp. Nói theo cách khác, làm tăng khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Theo một nghiên cứu, những doanh nghiệp có khả năng thích ứng cao vẫn hoạt động ốn định trong thời kì suy thoái và phục hồi.
Những doanh nghiệp như này đều có một số yếu tố giống nhau. Những đặc điểm này giúp họ sống tốt trong thời kì phục hồi kinh tế. Yếu tố quan trọng nhất là: họ đều tập trung phát triển bằng cách tập trung nguồn lực. Yếu tố khác có thể kể tới là đổi mới mô hình kinh doanh và khả năng của doanh nghiệp. Cuối cùng và quan trọng không kém là xây dựng lại danh mục sản phẩm và tái cấu trúc lại chi phí sản xuất.
Tổng kết lại, chúng ta có 6 nước đi có thể được áp dụng:
- Đầu tư vào những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm cũng như đúng theo các quy định.
- Tìm kiếm những cơ hội vừa phải với doanh nghiệp.
- Sẵn sàng nguồn nguyên vật liệu và chuỗi cung ứng. Nên có tầm nhìn chiến thuật tốt để đi trước lạm phát.
- Tạo ưu điểm về giá: sử dụng lạm phát để gia tăng tỉ suất lợi nhuận.
- Tài năng: thu hút, giữ chân và đào tạo nhân tài.
- Số hóa và thương mại điện tử. Áp dụng số hóa (bao gồm tự động hóa) vào mọi khâu có thể của quá trình sản xuất.
Những điều trên đối với doanh nghiệp hoàn toàn là cơ bản. Tỉ như tìm kiếm, đào tạo nhân tài để lấp chỗ trống giữa nhập và xuất. Doanh nghiệp nên liên tục áp dụng những điều này để chống lại sự biến động của môi trường kinh doanh bên ngoài (thiếu hụt nhân công, làm việc từ xa…) và nâng cấp công nghệ sản xuất của bản thân. Ở một khía cạnh khác, hiệu suất và độ hấp dẫn của từng phân loại sản phẩm là khác nhau. CEO nên chuyển dịch sản xuất vào phân khúc phù hợp với thị trường mà doanh nghiệp tham gia.
Kết
Sự thay đổi thường xảy ra rất chậm rãi nhưng một khi đã tăng tốc thì rất nhanh chóng. CEO nên coi độ biến động cao của thị trường là trạng thái bình thường. Doanh nghiệp nào không nắm bắt được mấu chốt sẽ gặp phải khó khăn và nguy cơ trùng trùng. Những doanh nghiệp dẻo dai và thành công trong giai đoạn này chắc chắn sẽ bước lên một nấc mới và tạo giá trị mới.