Mục lục
Nhựa là một loại vật liệu rẻ, nhẹ, bền và đa dụng. Vì khả năng sản xuất hàng quy mô công nghiệp ở nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau mà nó ngày càng được ưa chuộng. Số lượng các sản phẩm nhựa ngày càng nhiều hơn. Và với lượng nhưa tăng cao, ô nhiễm môi trường cũng tăng theo. Trong đó, lượng nhựa trôi nổi trên đại dương hiện tại được ước tính lên tới 150 triệu tấn.
Thực trạng
Ô nhiễm môi trường có thể gây thiệt hại nặng nề cho cả hệ sinh thái và nền kinh tế. Theo nghiên cứu từ SYSTEMIQ, nếu không có động thái giảm thiểu nào, lượng rác thải rắn có thể tăng gấp đôi, lượng nhựa trôi nổi ra đại dương sẽ tăng gấp 3 và lượng nhựa tích tụ sẽ tăng gấp 4 trong 20 năm tới.

Hiện tại, có rất nhiều cá nhân và tổ chức quan ngại về tình trạng của môi trường biển. Rất nhiều công nghệ được nghiên cứu và phát minh với mục đích dọn sạch số nhựa trên đại dương. Những nỗ lực này rất đáng khen và những nhà phát minh đúng là có ý tốt. Thế nhưng việc loại bỏ rác khỏi đại dương, hiện tại, là một sự lãng phí. Nó còn có thể là một sự lãng phí nguy hiểm.
Các nỗ lực thu hồi nhựa trên đại dương thu hút hàng trăm triệu dollar tài trợ. Những khoản đầu tư mà nên được đầu tư cho những giải pháp thực tế hơn. Những giải pháp ngăn chặn nhựa thải ra đại dương từ đầu nguồn. Những giải pháp như: xây dựng mô hình tái chế/ tái sử dụng/ tái đóng gói mới, tạo ra vật liệu thay thế nhựa tốt hơn, mở rộng hệ thống thu gom rác…
Thu gom nhựa trên đại dương là một sự lãng phí
Việc loại bỏ nhựa khỏi đại dương được cho là một sự lãng phí vì một số nguyên nhân. Thứ nhất, không có hiệu quả kinh tế. So với việc thu gom hàng tấn nhựa trôi nổi sẵn ngoài đại dương, ngăn chặn rác thải nhựa đổ ra có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Theo ước tính, để có thể thu gom một lượng có ý nghĩa nhựa tiêu tốn khoảng 708 tỉ EUR. Số tiền đó bằng khoảng 1% GDP toàn thế giới.
Thứ hai, tìm rác thải nhựa ngoài đại dương cũng giống như tìm kim đáy bể vậy. Những hạt vi nhựa có kích thước rất nhỏ (<5mm) còn thể tích nước toàn bộ đại dương thì lên tới 1,350 tỉ tỉ lít… Kể cả khi rác nhựa chỉ tập trung ở một số vùng biển, các công nghệ hiện tại vẫn chưa cho phép chúng ta có thể thu gom chúng hoàn toàn.

Trên biển, nhựa có thể được gió và các dòng hải lưu gom lại thành một “đảo nhựa”. Nhưng số nhựa trên các “đảo” này chỉ chiếm 3% toàn bộ lượng nhựa trên đại dương. Hiện thực còn tồi tệ hơn khi chúng bị đánh tan thành các hạt vi nhựa (microplastics, < 5mm) hay nano nhựa (< 1micromet). Tất cả những điều đó cho thấy việc thu gom nhựa trên đại dương khó khăn hơn tưởng tượng nhiều lần.
Cuối cùng, kể cả khi chúng ta tìm ra được những hạt nhựa này, lúc đó có thể đã quá muộn. Một lượng lớn sinh vật biển tập trung ở khoảng 50km gần bờ. Vì thế, khi nhựa trôi dạt tới ngoài khơi, nơi chúng được gom lại một chỗ, chúng đã kịp gây ra thiệt hại cho hệ sinh thái biển.
Trước tiên cần ngăn chặn việc xả rác ra đại dương
Chúng ta có thể tưởng tượng việc này như dọn dẹp một căn nhà bị lụt. Việc đầu tiên chúng ta cần làm là dừng được nguồn nước. Sau đó mới tới bước dọn dẹp những chỗ nước tràn. Việc dọn dẹp rác thải nhựa trên đại dương cũng tương tự như lau nhà trước khi tắt nước vậy. Hiện nay, theo ước tính vẫn có khoảng 14 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Vì thế, đáng buồn thay, chúng ta nên tạm thời buôn bỏ các nỗ lực thu gom rác đại dương. Các nguồn lực nên được tập trung vào việc ngăn chặn lượng rác mới đổ ra mỗi năm.

Gần đây, việc sử dụng bẫy rác trên sông tỏ ra là một biện pháp ngăn chặn rác ra biển với hiệu suất tốt. Thế nhưng chúng ta cũng không nên dựa quá nhiều vào phương pháp này. Những con sông không phải hệ thống quản lý rác thải. Chúng cũng là một phần của tự nhiên. Và ở một mặt nào đấy, còn dễ bị ô nhiễm hơn đại dương.
Kết luận
Tổng kết lại, chúng ta nên tập trung hơn vào gốc rễ của vấn đề thay vì các triệu chứng như hiện nay. May mắn thay, chúng ta có thể nói đã nắm giữ 80% các giải pháp. Chúng bao gồm: giảm lượng tiêu thụ, thay thế vật liệu nhựa, thiết kế bao bì để tái chế và mở rộng hệ thống thu gom – tái chế rác thải.
Việc sửa chữa lại hệ sinh thái nhựa được tạo ra bởi con người chắc chắn không hề dễ dàng nhưng là một việc khả thi. Và chỉ khi chúng ta sửa được nó, việc thu hồi rác nhựa trên đại dương mới trở nên thực sự có ý nghĩa. Cho tới lúc đó, thế giới thực sự cần tập trung hơn vào các nỗ lực ngăn chặn rác ra môi trường.