Nhựa có phải kẻ thù của con người?

Những đặc tính như dẻo dai, độ bền lớn, tính linh hoạt cao, độ trong lớn, dễ tiệt trùng… đã làm nhựa trở thành vật liệu bao bì lý tưởng. Đồng thời, cũng chính những đặc tính đó biến nhựa trở thành cơn thảm họa môi trường.

Các cuộc tranh luận vì môi trường gần đây đều nâng ý kiến rằng mọi loại nhựa đều là kẻ thù của môi trường. Tuy nhiên, quan điểm này là phiến diện và thiếu khuyết tầm nhìn cả vi mô và vĩ mô. Sự tồn tại của nhựa không phải là vấn đề căn bản. Vấn đề quan trọng là loài người chúng ta làm gì với chúng. Chính những sản phẩm từ nhựa, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng xung quanh các sản phẩm đó đã tạo ra các vấn đề. Tuy nhiên, trọng tâm và cốt lõi nhất vẫn là hành vi của con người với tư cách người tiêu dùng.

Cơ sở hạ tầng

Ở một thế giới hoàn mỹ, 100% lượng rác thải nhựa được thu gom, tái chế. Không một mảnh nhựa nào phải tới các bãi chôn hay lò thiêu hay trôi nổi ngoài đại dương. Con người tạo được một hệ thống nơi mà mọi mảnh nhựa, mọi sản phẩm nhựa đều được tái chế thành một sản phẩm khác. Thực sự là một thế giới trong mơ.

Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra được một hệ thống như vậy với kiến thức và công nghệ hiện nay. Vấn đề hiện giờ là làm thế nào để thu hồi được 100% lượng rác thải nhựa. Và đã có quá nhiều mắt xích đã đứt gãy trong hệ thống của chúng ta. Cơ sở hạ tầng của các hệ thống thu gom không đáp ứng đủ nhu cầu. Hệ thống tái chế ở các vùng khác nhau cũng có sự khác biệt.

Hiệu quả kinh tế của hệ thống tái chế cũng không được tốt. Có thể nói việc thu gom và tái chế toàn bộ các loại rác thải là không khả thi. Đặc biệt với những loại nhựa cho tới hiện nay vẫn chưa được tái chế. Với lượng rác thải nhựa hiện nay, thật điên rồ khi có những loại nhựa tái chế còn tốn kém hơn sản xuất mới.

Vật liệu thay thế

Có một điều mọi người cần hiểu, nếu ngày mai nhựa không còn tồn tại, loài người không có vật liệu nào thay thế được nó. Cuộc sống chúng ta vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng giá cả mọi thứ chắc chắn sẽ tăng. Đây là hệ quả tất yếu khi mọi vật liệu thay thế nhựa đều có giá cao hơn. Đương nhiên, những vật liệu đó cũng sẽ có ảnh hưởng tới môi trường.

Giấy, bìa carton là những loại vật liệu có thể tái sinh nếu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu được kiểm soát tốt hoặc được tái chế. Nhưng để sản xuất giấy, chúng ta cần lượng lớn năng lượng và nước. Trong khi đó, để sản xuất nhựa chỉ cần 39% lượng năng lượng đó. Đồ dùng, bao bì nhựa cũng có khả năng được sử dụng nhiều lần hơn đồ vật làm bằng giấy.

Thủy tinh cũng là vật liệu đã được sử dụng hàng trăm năm nay. Thế nhưng, so với chai nhựa, chai thủy tinh chiếm nhiều không gian hơn và nặng hơn nhiều lần. Do đó, vận chuyển chai thủy tinh cần năng lượng (và đương nhiên, chi phí) cao hơn nhiều.

Kim loại, dù có thể nhẹ và dễ dàng tái chế nhiều lần, lại là loại vật liệu sản xuất tốn nhiều năng lượng nhất.

Những cải tiến công nghệ

Hiện tại, nhựa có thể được tái chế một cách hoàn hảo và tinh khiết hơn. Thay vì cắt nhỏ và nấu chảy, nhựa hiện giờ có thể được phân rã thành phân tử, làm sạch và tái chế lại. Điều này có nghĩa nhựa hiện tại có thể được tái chế vô số lần mà không mất đi đặc tính của nhựa nguyên sinh. Công nghệ mới này đã hiện đã sẵn sàng ở quy mô công nghiệp.

Song song với đó, nhựa làm từ nguyên liệu sinh vật cũng đang dần dần tiến vào quy mô công nghiệp và hứa hẹn có thể sử dụng cho mọi sản phẩm.

Mối quan hệ của con người và nhựa

Các nhà thiết kế, chủ doanh nghiệp và nhà sản xuất đã và đang xem xét lại quan hệ của họ và vật liệu nhựa. Việc này đã tốn một lượng lớn thời gian và cả tiền bạc.

Chuỗi cung ứng, các hệ kín, hệ tái chế hiệu quả, nhựa từ nguyên liệu không hóa thạch… chúng ta có đầy đủ khả năng và công nghệ để mang những thứ đó thành hiện thực. Thế nhưng chính yếu tố con người mới quyết định tương lai chúng ta là tốt hay xấu. Liệu con người có thể thay đổi mối quan hệ hiện nay của chúng ta với nhựa?

Các hệ thống không thể hoạt động hiệu quả nếu con người không làm những gì mà con người cần phải làm. Nếu người tiêu dùng không sẵn sàng để thêm các bước xử lý rác vào cuộc sống hàng ngày thì cơ sở hạ tầng của các hệ thống thu gom và tái chế có hiệu quả tới đâu đi nữa cũng không thể bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm. Chúng ta, với tư cách người tiêu dùng, phải sẵn sàng để hành động nhiều hơn nữa.

Có thể nói, đồ nhựa nói chung và rác thải nhựa nói riêng vốn dĩ không phải là kẻ thù của con người. Chính sự vô cảm và thiếu hành động của chúng ta mới là kẻ thù lớn nhất.

0988827237
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon chat-active-icon